Làm giàu nhờ không bỏ cái gì từ nghề làm bún
Về phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, hỏi bún số 9, hầu như ai cũng biết, bởi từ hơn 10 năm nay, lò bún này đã trở thành địa chỉ cung cấp bún tươi chất lượng tốt cho nhiều tiệm ăn, người dân trong vùng. Chủ nhân của lò bún số 9 là ông Phạm Gạch, một lão nông kỳ cựu, đã bắt đầu bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Làm bún không phải là nghề gia truyền của ông. Trước đây, ông sinh sống chủ yếu bằng làm vườn, chăn nuôi… Cách đây chừng 15 năm, ông mới bắt đầu chuyển sang làm bún tươi. Nhờ học được cách làm bún từ một chỗ làm nghề uy tín trên TP HCM, ông Gạch quyết định bỏ ra mấy chục triệu đồng đầu tư vào cái nghề còn khá mới mẻ này. Ông mở xưởng, mua máy, thuê thợ về làm. Lúc đầu, chưa có khách, ông chỉ làm khoảng vài trăm kg mỗi ngày.
Làm xong, đem chào mời các hàng quán, người dân trong vùng dùng thử. Nhờ chất lượng tốt hơn các lò bún cũ ở địa phương, giá cả lại cạnh tranh, dần dà, sản phẩm bún tươi mang nhãn hiệu Bún số 9 của ông Gạch đã chiếm được niềm tin yêu của người dân trong vùng. Từ đó, ông mở mang dần quy mô sản xuất bún lên 500-600 kg/ngày, rồi 1 tấn, 2 tấn. Hiện giờ, bình quân mỗi ngày gia đình ông sản xuất 2 tấn bún. Giá bún hiện nay khoảng 7.500 đ/kg. Tính ra, mỗi ngày, riêng từ sản xuất bún, gia đình ông đã có doanh thu 15 triệu đồng. Những dịp lễ Tết, do nhu cầu bún tươi tăng cao, ông phải nâng sản lượng lên gấp đôi mà cũng không đủ bán. Làm bún, phụ phẩm nhiều. Bỏ đi vừa phí, vừa dễ ô nhiễm môi trường, ông Gạch quyết nghĩ ra những cách để tận dụng triệt để các loại phụ phẩm này. Tận dụng phần đất rộng phía sau nhà, ông xây một dãy chuồng heo và đào một ao cá rộng. Tiếp đó, ông làm một hệ thống thu gom phế phẩm gồm những đường máng, bể chứa, bể lọc. Theo đó, trong quá trình sản xuất bún, phế phẩm sẽ theo đường máng chảy xuống một cái bể chứa. Từ bể chứa đó, ông cho phế phẩm vào một bể lọc để tách riêng phần nước và phần bã. Phần bã, ông đem nấu chín cho heo ăn. Còn phần nước dùng để nuôi cá. Nhờ đó, gia đình ông tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ trong nuôi cá, nuôi heo. Mỗi năm, ông thu hoạch thêm được 3 tấn cá và hàng tấn thịt heo. Ông còn là một “Mạnh Thường Quân” có tiếng trong vùng. Gần đây, để tạo điều kiện cho các hộ sống ven bờ sông Ba Láng được đi ra phía cầu Cần Thơ một cách dễ dàng, ông Gạch đã cắt hẳn một phần đất dài 153 m, rộng 3 m, rồi góp vật liệu để làm một con đường nhỏ cho mọi người qua lại. Nếu tính giá trị chỗ đất đó và vật liệu xây dựng mà ông Gạch đóng góp, đã lên tới cả tỷ đồng. Sẵn có trên 5 công đất vườn, ông tận dụng gần hết để trồng chuối. Mục đích trồng chuối không phải để lấy quả mà lấy lá lót bịch bún tươi. Ông Gạch cho biết, với quy mô làm bún như gia đình ông, mỗi ngày phải cần tới 100.000 đồng mua lá chuối lót bún. Bởi vậy, nhờ vườn chuối này, mỗi tháng ông tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng. Và để tận dụng lá chuối sau khi đã sử dụng vào việc lót bún, ông nuôi một đàn dê gần chục con. Đàn dê đó được nuôi bằng lá chuối đã lót bún và một số loại cây lá trồng sẵn trong vườn nhà, nên hầu như không tốn chi phí thức ăn. Ngược lại, chúng còn thường xuyên cung cấp nguồn sữa tươi cho cả gia đình ông Gạch. Nhờ làm bún có uy tín (cơ sở làm bún của ông Gạch luôn được công nhận là cơ sở đạt yêu cầu VSATTP), cộng với việc khéo tính toán, tận dụng tối đa các phụ phế phẩm để tăng gia nuôi cá, nuôi heo, gia đình ông Gạch đã trở nên giàu có. Ông đã xây được nhà cửa khang trang cho 4 người con trai ra ở riêng, đã tậu được một chiếc xe bán tải để chở bún và một chiếc xe du lịch 7 chỗ. Xưởng bún của ông cũng đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại, vừa tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 60.000 đ/người/buổi. ...